CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 18,1-8
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: 3 Ga 5-8
Anh em thân mến, anh hành động trung thành trong mọi việc làm cho các anh em, dù họ là những người xa lạ.
Trong Hội Thánh sơ khai, đã có sự liên lạc thường xuyên, từ cộng đoàn này qua cộng đoàn khác. Có những khách bộ hành, những nhà truyền giáo, có các người từ thành khác đến.
Đó là một trong các luật lệ nội bộ của Hội Thánh.
1. Hội Thánh phải là “địa phương”, biết nhập cuộc trong một dân tộc, một sắc dân, một nền văn hoá, một môi trường: theo nghĩa ấy, chúng ta sẽ không bao giờ thi hành đủ để mỗi đoàn thể loài người có thể diễn tả theo cách thức riêng, theo tiếng nói riêng, và đón nhận lời Chúa theo ngôn ngữ văn hóa riêng của mình. Vì thế, cần phải canh tân phụng vụ, cách riêng, cần có các nhà thần học xuất hiện trong các hệ thống tư tưởng quan trọng, khác với các hệ thống thần học phương Tây.
2. Nhưng mỗi Hội Thánh địa phương phải hiệp thông với các Hội Thánh khác: theo nghĩa này, chúng ta sẽ không bao giờ thực hành đầy đủ mỗi đoàn thể biết sống cởi mở, mà tiếp đón các người “khách lạ”. Khi một nhóm Kitô hữu trở thành một “câu lạc bộ đóng kín”, một pháo đài, không thông hiệp với phần còn lại của Giáo hội, thì Giáo hội sẽ không còn là Giáo hội nữa.
Trong các giáo xứ, trong các hội đoàn, và cả trong gia đình nữa, chúng ta có tiếp đón người xa lạ không? chúng ta hãy đi xa hơn. Chúng ta có biết đón tiếp cái “khác biệt”. Nghĩa là những gì nơi người khác không giống chúng ta? không hợp tính tình, các sở thích mà ta cho là kỳ cục, ngôn ngữ hay các hành vi làm ta khó chịu…
Những người xa lạ này đã làm chứng về đức ái của anh trước mặt Hội Thánh.
Sự đón tiếp niềm nở, lòng hiếu khách, đã có thật đến nỗi những ai đã được hưởng thì lòng họ tràn đầy niềm vui và họ nói về việc ấy trong các cộng đoàn mà họ vừa đến.
Thỉnh thoảng phải nghe “điều người ta nói về chúng ta”: chúng ta có được tiếng là người hiếu khách không… hay là những kẻ khó tiếp xúc?
Anh sẽ làm một việc nghĩa, nếu anh giúp đỡ họ cách xứng đáng trước mặt Thiên Chúa để họ có phương tiện đi đường. Quả thật chính vì danh Chúa mà họ ra đi.
Ở đây, Gioan nói riêng với Caiô, người lãnh đạo cộng đoàn địa phương. Ông đã tiếp đón các Kitô hữu lạ của một cộng đoàn khác Gioan đã khen ngợi ông và xin ông tiếp tục giúp đỡ thêm để họ có phương tiện đi xa hơn: đó là những vị thừa sai, có thể họ là những nhà giảng thuyết lưu động, vì Danh Chúa mà họ ra đi. Nhờ danh nghĩa ấy, họ đáng được giúp đỡ cách “xứng đáng trước mặt Thiên Chúa”.
Tôi có thường nâng đỡ vị thừa sai không? tôi đã đóng góp vì vào việc truyền bá Tin Mừng và đức tin? cách chung tôi có tham gia vào việc giúp đỡ vật chất để Hội Thánh có phương tiện thi hành nhiệm vụ của mình không?
Tiền quyên góp ngày Chúa nhật cũng là thành phần thánh lễ ; phải chăng đó chỉ là một thói quen? hay là một cử chỉ có ý thức? Tôi có ý nghĩa gì, khi làm việc ấy? Những dịp trong năm, chúng ta có lo lắng đóng góp tiền của để giúp các công cuộc hữu ích trên thế giới không? Phải chăng đó là chỉ lặp lại các công việc mà các Kitô hữu tiên khởi đã làm không?
Chúng ta phải tiếp đón những người như thế để cộng tác vào việc truyền bá sự thật.
Đây là một trong các đường hướng mà ta có thể đề ra: “Cộng tác vào việc truyền bá sự thật”…giúp đỡ nhưng người loan báo “Tin Mừng”…
Phần tôi thì sao? Tôi không thể tự miễn chước hoàn toàn việc giúp đỡ các nhà truyền giáo chuyên môn. Tôi có là một người thừa sai theo cách của tôi, là cộng tác vào việc phổ biến chân lý ngay tại chỗ ở không?
Bài đọc II: Kn 18, 14-16 ; 19, 6-9
Sống bên ai cập tại Alexandria, tác giả sách khôn ngoan kết thúc cuộc nghiên cứu của mình bằng việc suy nghĩ về các tương quan giữa Ai Cập và Israel. Nghĩ tới các thương tích của Ai Cập” làm cho tổ tiên mình được giải phóng khỏi ách nô lệ, ông mô tả phần mà “thiên nhiên” nắm giữ trong cuộc phân xử giữa người Do-thái và người Ai Cập, và ông loan báo vào thời cùng tận, một “thiên nhiên được biến thái”, trong đó toàn vũ trụ sẽ góp phần vào việc cứu rỗi những người công chính.
Đang lúc yên tĩnh bao trùm vạn vật… Lời toàn năng của Chúa tựa như một dũng sĩ rắn rỏi xông tới giữa miền đất bị tiêu diệt…
Ở đây sự can thiệp của Thiên Chúa bị bi thảm hoá theo kiểu hùng ca. Lạy Chúa, xin giúp chúng con thấy được những can dự của Chúa vào thế gian.
Xin giúp chúng con tin rằng Chúa không vô tâm với loài người và những diễn biến lịch sử.
Lời Chúa luôn “tích cực” trong lòng người giữa các biến cố. Nhưng thường chúng con không nghe thấy. Chúng con còn bị vây bọc trong thinh lặng. Xin giúp chúng con nhận biết được tiếng này.
Vì đặt mình dưới lệnh của Người, tất cả tạo thành nhất nhất do quyền trên nắn lại để các con cái của Người được bảo tồn vô ưu.
Nước, các động vật, biển đỏ can thiệp để “cứu” dân Do-thái. Tác giả sách Khôn ngoan thấy ở đó dấu chỉ có một tương quan giữa “sự cứu rỗi của người công chính” và “sự quân bình của vũ trụ”.
Vì Chúa đã khiến mây bao phủ trại binh họ đã từ nơi trước kia dày nước xuất hiện vùng đất ráo khô. Và giữa Biển Đỏ đã xuất hiện một cánh đồng xanh tươi…
Đây rõ rệt như một “tái diễn” cuộc tạo dựng đầu tiên. Trong sáng thế ký. Thánh Thần cũng như mây phủ trên nước ( St 1, 2). Đất mọc lên từ nước ( St 1, 9). Như thế, cuộc xuất hành khỏi Ai Cập cũng “nhắc nhở” cuộc tạo dựng tương lai. Lời Chúa buổi đầu đã tạo thành mọi sự, vẫn luôn hiện diện trên địa cầu để chuẩn bị “cuộc tạo dựng mới” bên kia cái chết.trong những suy tư này có một viễn ảnh, một ý nghĩa lịch sử. Thiên Chúa đã không tạo thành “thiên thần”, “xác nhận”, “vật chất” đã bị huỷ diệt. Chương trình của Thiên Chúa không chỉ nhằm “cứu rỗi linh hồn” : Sự tạo dựng vật chất thực sự liên hệ với con người.
Đừng quên rằng bản văn này đã được viết ra chỉ vài năm trước Đức Giêsu. Không những Thiên Chúa không coi thường “xác thể và thế giới vật chất”… Người còn nhập thể và “phục sinh thân xác”.
Toàn dân được tay Chúa che chở, và chiêm ngưỡng những diệu kỳ phi thường của Chúa. Lạy Chúa, họ như đàn ngựa giữa bãi cỏ, như đàn chiên nhảy mừng, họ tán dương Chúa là Đấng giải thoát họ.
Sự nhảy mừng trong xác thể con người … như ngựa hí vang nhảy mừng khi thấy đồng cỏ. Hình ảnh thật đẹp và táo bạo ! khi cố hiểu biết thế giới, con người đôi khi thử tách rời “thể chất và tinh thần”. Trong vài môi trường lớn tiếng khinh mạng xác thân và vật chất. Đó là viễn tưởng bi quan, như phái Jansêniô.
Đúng thật “máy móc”, “lạc thú”, có thể tha hoá con người. Nhưng ý tưởng Kitô giáo không nhượng bộ thuyết nhị nguyên coi: tinh thần là tốt… vật chất là xấu. Thực sự, tín điều về sự phục sinh trình bày cho chúng ta thấy lý tưởng là tìm ngày từ nơi đây và bây giờ một sự hoà hợp giữa xác thân và tinh thần, một tinh thân mình thuần thục với nhịp ý tưởng và tình yêu. Tán dương Thiên Chúa với cả con người và với toàn thể thiên nhiên!
BÀI TIN MỪNG: Lc 18, 1-8
Hôm qua, chúng ta đã nghe lời mời gọi hãy coi sự “kết thúc’ đời ta là nghiêm trọng. Những hình ảnh được sử dụng là “lửa, nước”… rồi “diều hâu” vồ mồi. Có thể tất cả những điều đó đã gây âu lo cho ta.
Đức Giêsu kể cho các môn-đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí…
Đức Giêsu muốn thức tỉnh ta khỏi tình trạng mê ngủ và lãnh đạm, nhưng Người không muốn làm ta lo lắng.
Người đến muộn, khiến ta đợi chờ, nhưng không thể “ngã lòng”: cần cầu nguyện.
Quả thực, một câu hỏi luôn đốt nóng môi miệng ta: “Còn bao lâu nữa?” ( Kh 6, 10)…và câu hỏi khác còn nóng bỏng hơn : “ Tôi còn chịu đựng mãi sao ? Đức tin của tôi không có thể bị biến dưới những đợt tấn công của nghi hoặc và tai họa sao ? Ai mà biết được ?”.
Một trong những mục đích của cầu nguyện hiển nhiên, đó không phải là mục đích duy nhất – là duy trì và mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa trong ta: cũng như cuộc gặp gỡ mà những người yêu thương hẹn hò cùng nhau, để nuôi giữ tình yêu.
Cầu nguyện có thể giúp chống lại âu lo: khi ta nương dựa vào một người tin cậy nơi họ và thoát ra khỏi mình để hiến thân cho một kẻ khác.
Có một ông quan tòa. Ong ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Xin ngài cứ công bằng mà xét xử cho tôi khỏi kẻ thù”. Một thời gian khá lâu, ông đã không chịu xử. Nhưng cuối cùng ông ta nghĩ bụng: “ Dầu rằng ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này cứ quấy rầy mãi, thì ta xử quách cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm nhức nhối đầu óc”. “Anh em nghe ông quan tòa bất công ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không xử công bằng mà xét xử cho những kẻ Người đã tuyển chọn, đang ngày đêm kêu cứu với Người sao?”.
Người ta gọi cầu nguyện trên là dụ ngôn có tính “ tương phản”, trong đó một bài học được đề ra từ tính tương phản của thí dụ nêu lên.
Ông quan toà “không thể thần thánh” là gì và “không tốt bụng”, cuối cùng đã chịu nhận xét xử… Huống hồ Thiên Chúa là Cha và là Đấng yêu thương mọi người, lại không mau mắn minh xử cho những kẻ mà Người thương mến sao!
Bài học chính yếu của dụ ngôn không nằm trong sự kiên trì cầu nguyện, nhưng nhắm tới niềm tin tưởng lời cầu nguyện sẽ được chấp nhận. Thực vậy, nếu một con người xấu ác, không chút từ tâm, cuối cùng đã phải chấp nhận lời nài xin của người đàn bà đáng thương, thì Thiên Chúa lại không động lòng trước những tiếng kêu van của những kẻ đang hướng về Người trong nỗi khốn khó sao?
Những kẻ Người đã tuyển chọn, đang ngày đêm kêu cứu với Người… Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.
Tôi lắng nghe lại những lời trên.
Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa yêu cầu điều đó, là vì chính Chúa đã thi hành trước: Chúa cầu nguyện không ngừng, ngày cũng như đêm. Tôi thử chiêm ngưỡng lối cầu nguyện liên tục này: Trên những con đường hẻm của làng quê xứ Paléttin. Lúc bị đám đông vây quanh nơi bờ hồ. Buổi sáng trước khi ngày lên…
Chúa không đòi hỏi điều gì không có gì thực hiện. Hôm nay, tôi thử nỗ lực một chút, để thực tập thứ cầu nguyện liên tục này làm sao! Không nhất thiết phải sử dụng những hình thức kinh đọc… nhưng không bằng sự kết hiệp thường xuyên với Chúa.
Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?
Một câu hỏi đau lòng, tôi nên lắng nghe cách nghiêm chỉnh.
Thử thách chối bỏ đức tin không phải chỉ thời đại ta mới gặp: ngay cả những người được tuyển chọn cũng bị đe dọa. Không thiếu những an toàn giả tạo.
Chỉ có sự bảo đảm cho ta là cầu nguyện không ngừng, thường xuyên, liên tục, kiên trì. Thiên Chúa không thể bỏ rơi ta, nếu ta không từ bỏ Người. Hôm nay, tôi sẽ làm gì để nuôi dưỡng đức tin của tôi.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Dụ ngôn quan tòa và bà góa: Phải nhẫn nại cầu xin.
HÒAN CẢNH:
Nhân nói về ngày Chúa sẽ trở lại thế gian và các thử thách mà các tông đồ và các tín hữu sẽ gặp, Đức Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện để được Thiên Chúa phù hộ cho. Người đã dùng hai dụ ngôn: quan án bất nhân và người đàn bà góa (Lc18,1-8); dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế (Lc18,9-14), để nêu rõ những điều kiện cần phải có để lời cầu nguyện được hiệu quả.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện về một quan tòa bất nhân và người đàn bà góa để dạy bài học phải cầu nguyện luôn và không được nản chí.
TÌM HIỂU:
1 "Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn …"
Để giúp các môn đệ sống tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng trong việc chuẩn bị cho ngày Chúa tái lâm, giờ chết, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn và cầu nguyện kiên nhẫn.
2-5 "Người nói …"
Để trình bày về sự cầu nguyện luôn và cầu nguyện kiên nhẫn, Đức Giêsu kể dụ ngôn về ông quan tòa bất nhân và bà góa quấy rầy : dụ ngôn này có ý trình bày quan tòa này chỉ hành động vì ích kỷ, còn bà góa thì được việc nhờ kiên trì.
6-7 "Rồi Chúa nói…"
Đức Giêsu kết luận dụ ngôn cách đơn sơ rằng nếu một quan án bất nhân và bất kính, kết cục đã phải xét xử cho bà góa, vì bà này kêu nài mãi, huống chi Thiên Chúa, lẽ nào Người lại không minh oan cho những kẻ đang bị quân thù làm khổ và ngày đêm kêu cứu với Người?
Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu xin của kẻ lành bị thử thách giữa trần gian, mặc dù sự trì hoãn của Chúa đối với họ xem ra quá lâu, vì thế họ phải chấp nhận sự trì hoãn đó bằng cách kiên nhẫn cầu nguyện.
8 "Nhưng khi Con Người ngự đến…"
Ở đây nói về sự chối đạo sẽ xảy ra vào thời cánh chung (Mt 24,10-12; 2Tx2,3). Quả vậy, trong thời kỳ đó nhân loại sống trong bầu khí hết sức vô đạo, vì ma quỷ và các tay sai gian ác của nó sẽ ráo riết hành động khắp nơi.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhận thức:
1. Chúng ta phải cầu nguyện luôn, vì chúng ta phải lệ thuộc vào Chúa, và chỉ có Chúa mới giúp chúng ta được. Bà góa đến nài xin quan tòa, vì chỉ có ông mới minh oan cho bà ấy được.
Xác tín như vậy, chúng ta phải biết chăm lo cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc và trong mọi việc bằng cách biến mọi việc trở thành lời cầu nguyện hoặc gieo lời cầu nguyện vào mọi việc.
2. Chúng ta phải cầu nguyện cách kiên nhẫn, vì đó là dấu chứng tỏ lòng trung tín của ta với Chúa.
Thiên Chúa khoan dãn ban ơn cứu giúp là để tôi luyện đức tin của ta thêm vững mạnh, đồng thời cũng là cơ hội để ta tỏ bày lòng yêu mến Chúa: vì ta cần Chúa hơn ơn Chúa ban.
3. Qua dụ ngôn, chúng ta thấy: Thiên Chúa là Đấng nhân lành, không bao giờ làm ngơ trước những lời kêu xin của con cái, không bao giờ bỏ mặc con cái trong cơn thử thách và khó khăn. Điều này thức tỉnh lòng trông cậy của chúng ta đối với Chúa trong mọi việc và mọi nơi.
4. Lời than trách của Chúa Giêsu: "khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không ?" Cảnh giác lòng trung tín và kiên nhẫn cầu nguyện của chúng ta với Chúa trong những lúc gặp gian nan thử thách phần hồn cũng như phần xác.